Tỉnh Bình Dương triển khai xây dựng công trình đường Trục chính Đông-Tây với số vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng nối tới làng đại học và Bến xe Miền Đông mới TPHCM. Công trình hoàn thành giúp người dân Bình Dương và TPHCM thuận lợi hơn trong giao thương.
Công trình đường trục chính Đông - Tây đoạn từ quốc lộ 1A (bến xe Miền Đông mới - TP.Thủ Đức, TPHCM) đến giáp quốc lộ 1K là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Dương.
Đây là tuyến đường huyết mạch, nối từ TP.Dĩ An (Bình Dương) đến Đại học Quốc gia TPHCM, Bến xe Miền Đông mới TPHCM. Đây cũng là giao lộ giúp kết nối từ quận 9, TP.Thủ Đức (TPHCM) qua TP.Dĩ An (Bình Dương).
Đường có chiều dài tuyến hơn 3 km, qua 3 địa bàn phường Đông Hòa, phường Bình An và phường Bình Thắng (TP.Dĩ An). Tuyến đường được trải thảm nhựa với 6 làn xe, dân cư đông đúc, nhiều chung cư cao tầng, khu đô thị hai bên tuyến đường đã hình thành.
Công trình đường Trục chính Đông Tây có 203 trường hợp bị ảnh hưởng phải thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tổng diện tích đất phải thu hồi 106.345m2, TP. Dĩ An đã chi trả tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng toàn tuyến. Tổng số vốn được giao làm dự án là 502,2 tỷ đồng.
Dự kiến cuối tháng 6/2024 công trình đường trục chính Đông - Tây sẽ hoàn thành, vượt tiến độ trước 3 tháng.
Ngoài ra, BQL dự án đầu tư xây dựng khu vực TP.Dĩ An (Bình Dương) đang triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai Đông Bắc 2 - Đoạn từ trục chính Đông-Tây (khu vực giữa khu dân cư Bình Nguyên và Trường Cao đẳng nghề Đồng An) đến giáp đường Mỹ Phước Tân Vạn, với tổng mức đầu tư 628,793 tỷ đồng.
TP. Dĩ An (Bình Dương) đa phần tiếp giáp TP.Thủ Đức (TPHCM) và một phần địa phận tỉnh Đồng Nai, là địa bàn triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông lớn của cả vùng Đông Nam bộ, có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua.
Hiện trạng kết nối giao thông giữa TP.Thủ Đức và TP.Dĩ An gồm một số vị trí kết nối liên vùng như tỉnh lộ 43, nút giao Sóng Thần, đường Đào Trinh Nhất - đường An Bình, 21 vị trí kết nối trực tiếp với khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM.
Các dự án sau khi đưa vào sử dụng sẽ giúp mở rộng giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là khi TP.Dĩ An đã trở thành đô thị loại 2, với định hướng phát triển là dịch vụ - tài chính - giáo dục - logistics. Việc giao thông thuận lợi giúp người dân Bình Dương và TPHCM thuận lợi hơn trong giao thương, mở thêm cơ hội phát triển kinh tế, xã hội giữa hai địa phương.
Hương Chi