Sự thật chuyện vùng ven TP.HCM 'sốt đất hầm hập' do sáp nhập

Theo đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia, việc giá nhà đất khu vực vùng ven TP.HCM tăng lên khi có thông tin sáp nhập chỉ là "chém gió".

Thông tin sáp nhập một số địa phương về TP.HCM lan truyền trên mạng khiến nhiều môi giới bất động sản tranh thủ thổi giá nhà đất. Tuy nhiên, trên thực tế, thanh khoản bất động sản tại các khu vực vùng ven và vùng phụ cận TP.HCM vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

Cả năm không bán được nhà nhưng vẫn đồn là "sốt”

Anh Nguyễn Minh, môi giới bất động sản tại Bình Dương cho biết, thông tin Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương sáp nhập vào TP.HCM đang khiến giá nhà đất tại hai địa phương này trở nên “nóng sốt”.

Anh Minh dẫn chứng, một căn nhà 3 tầng diện tích 60 m² ở phường Tân Đông Hiệp (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) được rao bán với giá khoảng 3,8 tỷ đồng. Thế nhưng, khi thông tin Bình Dương sáp nhập vào TP.HCM lan truyền trên mạng thì ngôi nhà này lại được rao với giá 4,3 tỷ đồng.

“Ngôi nhà đó có giá khoảng 63 triệu đồng/m² nhưng khi có thông tin sáp nhập thì đã tăng lên gần 72 triệu đồng/m². Đây là giai đoạn đầu tăng giá, sắp tới còn tăng giá thêm. Ai mua phải tranh thủ chớp thời cơ” , anh Minh nói.

 
Môi giới ở khu vực vùng ven TP.HCM "chém gió" về việc sốt đất từ thông tin sáp nhập trên mạng. (Ảnh: Đại Việt)
Môi giới ở khu vực vùng ven TP.HCM "chém gió" về việc sốt đất từ thông tin sáp nhập trên mạng. (Ảnh: Đại Việt)

Nhiều môi giới bất động sản tại khu vực Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng khuyên chúng tôi nên tranh thủ đầu tư nhà phố, đất nền ở các khu vực sát TP.HCM để kiếm lời. Tuy nhiên, thanh khoản bất động sản tại khu vực vùng ven TP.HCM lại không như môi giới quảng cáo.

Chị Trần Thu Hiền chia sẻ, chị đang bán ngôi nhà 3 tầng, diện tích 80 m2 tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương với giá 4,8 tỷ đồng. Thế nhưng, suốt gần 1 năm qua, ngôi nhà vẫn chưa bán được. Mới đây, thông tin sáp nhập các tỉnh thành lan truyền rầm rộ trên mạng nhưng số lượng người xem nhà để mua cũng không nhiều.

Theo chị Hiền, người đến xem nhà chủ yếu là cò đất hoặc môi giới bất động sản của các công ty. Người mua thực tế rất ít. Từ khi rao bán căn nhà, chị chỉ gặp khoảng 4-5 người có nhu cầu mua để ở.

Không chỉ có chị Hiền, nhiều người dân tại Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực vùng ven TP.HCM như TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh chia sẻ, họ mất nhiều tháng vẫn chưa bán được nhà, có những căn nhà mất cả năm cũng chưa bán được.

 
Nhiều căn nhà ở khu vực vùng ven TP.HCM bán mãi chưa xong. (Ảnh: Đại Việt)
Nhiều căn nhà ở khu vực vùng ven TP.HCM bán mãi chưa xong. (Ảnh: Đại Việt)

Sốt đất chỉ là “chém gió”

Ông Phạm Văn Bình, đại diện một doanh nghiệp bất động sản ở Quận 10 cho biết, người dân và nhà đầu tư cần cẩn trọng trước những thông tin sáp nhập lan truyền trên mạng. Người dân cần tỉnh táo, bởi nếu muốn đầu tư phải xem xét dựa vào 2 yếu tố chính.

Yếu tố thứ nhất là cần kiểm tra việc đầu tư hạ tầng, dịch vụ tại khu vực đó, tránh đầu tư theo tin đồn. Yếu tố thứ hai là cần xem xét định hướng phát triển của khu vực đó sau khi sáp nhập cũng như các yếu tố pháp lý và yếu tố tăng giá của bất động sản cần mua.

“Nhà đầu tư nên lựa chọn bất động sản gần các công trình giao thông trọng điểm như sân bay, cảng biển, khu công nghiệp lớn hoặc gần các trung tâm hành chính mới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến các yếu tố tăng giá của bất động sản như kết nối thuận tiện, gần chợ - siêu thị, không bị lỗi phong thủy, pháp lý chuẩn chỉnh…”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, việc lan truyền thông tin sốt đất hoặc tăng giá nhà đất đột biến tại Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu hay khu vực vùng ven TP.HCM chỉ là “chém gió”. Đây chỉ là chiêu bán hàng của giới kinh doanh bất động sản.

Hạ tầng là yếu tố chủ đạo

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, người dân và nhà đầu tư cần thận trọng với chiêu thổi giá nhà đất của các môi giới bất động sản trước thông tin sáp nhập. Việc tăng giá nhà đất chủ yếu phụ thuộc vào khâu phát triển hạ tầng. Đường sá, giao thông và các tiện ích phát triển thì giá bất động sản mới tăng dần lên.

Cũng theo chuyên gia Phạm Thế Anh, việc lựa chọn địa phương làm trung tâm hành chính sau sáp nhập cũng không dẫn đến sự bùng nổ dân cư hoặc bùng nổ về nhu cầu bất động sản mới. Do đó, giá bất động sản tăng đột biến là không có cơ sở.

“Trước đây, việc sốt đất từ những thông tin không chính xác đã gây ra nhiều hệ lụy cho người dân và nhà đầu tư. Người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư nhà đất, tránh tâm lý chạy theo đám đông và sợ vụt mất cơ hội”, ông Thế Anh nói.

Ông Đinh Minh Tuấn, chuyên gia bất động sản khu vực miền Nam nhận định, đây là giai đoạn này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Giá bất động sản không chỉ phụ thuộc vào thông tin sáp nhập mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như hạ tầng, vị trí, nhu cầu việc làm, nhập cư và nền tảng kinh tế địa phương.

Ông Tuấn khuyến cáo, nhà đầu tư có thể gặp phải rủi ro, bởi quy hoạch có thể thay đổi hoặc việc sáp nhập có thể diễn ra chậm hơn. Nếu nhà đầu tư vội vàng có thể mua bất động sản giá cao hơn mặt bằng thực tế, thậm chí là bị “hớ” với số tiền lớn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, lợi dụng thông tin sáp nhập một số địa phương, nhiều cá nhân, tổ chức đã kích thích tâm lý đám đông, tạo “cơn sốt” nhà đất ảo ở một số khu vực.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy dòng tiền đầu tư chỉ đang đổ vào những khu vực có hạ tầng phát triển đồng bộ, quy hoạch rõ ràng.

Cũng theo ông Đính, để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, bền vững và tránh tình trạng giá cả vượt xa giá trị thực, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các bên liên quan. Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong quản lý, giám sát, đồng thời xây dựng và áp dụng các cơ chế minh bạch thông tin thị trường.

“Các sàn giao dịch và môi giới bất động sản, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật, không tiếp tay cho các hành vi thổi giá, tạo sốt ảo. Luật mới đã quy định rõ trách nhiệm của môi giới, nếu vi phạm sẽ bị truy cứu và xử phạt nghiêm khắc”, ông Đính nói.

                           Theo Đại Việt/VTC News