Quy hoạch 5 khu đô thị giáp ranh TP.HCM

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 989/QĐ-UBND, chính thức phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 thành phố Dĩ An đến năm 2045. Đây là bước đi quan trọng nhằm định hướng phát triển Dĩ An thành đô thị dịch vụ - giáo dục - công nghiệp hiện đại, bền vững.

Theo quy hoạch, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Dĩ An với diện tích 6.010 ha, bao gồm 7 phường: Dĩ An, Đông Hòa, Tân Đông Hiệp, Tân Bình, Bình An, Bình Thắng và An Bình. Thành phố được xác định là trung tâm dịch vụ, giáo dục, công nghiệp công nghệ cao và đầu mối giao thông vùng. Đến năm 2030, Dĩ An phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I, và đến năm 2045 trở thành đô thị hoàn chỉnh, phát triển bền vững.

Dự báo dân số Dĩ An sẽ đạt khoảng 650.000 - 750.000 người vào năm 2030 và 800.000 - 900.000 người vào năm 2045. Quy hoạch đặt ra các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cụ thể, như đất dân dụng 45-60 m²/người, đất cây xanh công cộng tối thiểu 6 m²/người, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt 100%, và cấp nước sạch đạt 100% dân số.

Thành phố được chia thành 5 khu đô thị chính với các chức năng riêng biệt: khu trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại (1.119 ha), khu thương mại - dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao (1.529 ha), khu công nghiệp - dịch vụ (1.287 ha), khu thương mại - du lịch (743 ha), và khu giáo dục - nghiên cứu (1.332 ha, bao gồm Đại học Quốc gia TP.HCM). Không gian đô thị được tổ chức theo mô hình hiện đại, kết hợp phát triển giao thông theo định hướng TOD (Transit-Oriented Development) dọc các tuyến đường sắt và đường lớn như Vành đai 3, Quốc lộ 1.

Về hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch tập trung phát triển hệ thống giao thông đối ngoại và nội đô, với các tuyến đường chính như Quốc lộ 1 (10 làn xe), Vành đai 3 (8 làn xe), và các tuyến đường sắt quốc gia. Hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải cũng được đầu tư đồng bộ, hướng tới đô thị xanh, sạch.

Định hướng đến năm 2045, Dĩ An sẽ chuyển đổi một số khu công nghiệp hiện hữu (Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Tân Đông Hiệp A, B) sang chức năng thương mại - dịch vụ, đồng thời phát triển công nghiệp công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung (15-20 ha). Các khu vực trung tâm, cửa ngõ và trục không gian chính sẽ được chú trọng chỉnh trang, xây dựng các công trình điểm nhấn với chiều cao tối đa lên đến 60 tầng.

Quy hoạch này không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà còn hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân, đưa Dĩ An trở thành một trong những đô thị trọng điểm của tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ.

theo Thanhnienviet