Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở tại TPHCM đang cạn kiệt, những người có thu nhập trung bình muốn tìm kiếm được một căn hộ vừa túi tiền hầu như là rất khó.
Báo cáo thị trường của CBRE Việt Nam cho thấy, tại TPHCM, lượng căn hộ mới đưa ra thị trường trong quý I/2024 là khoảng 500 căn, trong đó 80 căn thuộc phân khúc cao cấp. Theo CBRE Việt Nam, đây cũng là số lượng căn hộ chào bán thấp nhất của một quý trong khoảng 15 năm trở lại đây tại TPHCM và chỉ bằng khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Về thanh khoản, trong quý I/2024, tổng số căn hộ chung cư bán được hơn 600 căn, giảm 74% so với quý IV/2023. Giá căn hộ chào bán sơ cấp đạt mức 61 triệu đồng/m2, không thay đổi so với quý trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo số liệu nghiên cứu của Công ty Savills Việt Nam, trong quý I/2024, nguồn cung nhà ở sơ cấp tại TPHCM giảm mạnh 35% theo quý và 28% theo năm xuống còn 4.922 căn sau khi 9 dự án tạm ngưng bán hàng do chưa hoàn thiện các yêu cầu pháp lý hoặc điều chỉnh chính sách bán hàng, 2 dự án bị trì hoãn kế hoạch mở bán.
Thực trạng khát cung này dự kiến sẽ vẫn tiếp diễn trong tháng tới khi mà hầu hết các dự án đang và chuẩn bị triển khai ở TPHCM vẫn chưa có kế hoạch bán hàng chính thức trong tháng tới. Theo ước tính và mô hình nghiên cứu của Công ty Savills, hiện TPHCM cần có khoảng 50.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở thực, theo các chuyên gia dù tính cả nguồn cung các tỉnh lân cận vẫn không đáp ứng được mức cầu này.
Bà Giang Huỳnh - Phó Giám đốc, Bộ phận nghiên cứu và S22M Savills cho biết, hiện tại, nhìn về nguồn cung tương lai của TPHCM thì không thể đáp ứng được mức cầu trên. Tuy nhiên, khi nhìn sang các thị trường các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tổng nguồn cung của 3 thị trường này cũng không thể đáp ứng được nhu cầu hiện hữu của TPHCM. Đây là kết quả của sự dồn nén kéo dài trong nhiều năm của tình trạng chênh lệch cung cầu.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024 cũng không có chủ đầu tư dự án nào đề xuất với Sở Xây dựng TPHCM cho phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Điều đó có nghĩa là thị trường không có sản phẩm nhà ở thương mại mới nào được đưa ra thị trường. Riêng sản phẩm nhà ở xã hội thì 4 tháng đầu năm 2024 cũng không có dự án nào được chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành nhưng là dự án cũ, không có dự án mới, quy mô chỉ có hơn 200 căn hộ, số lượng quá nhỏ so với nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang có niềm tin thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào cuối năm 2024 với việc cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực sớm trước 6 tháng thay vì có hiệu lực từ 01.01.2025.
Nếu các luật trên được áp dụng sớm thì những vướng mắc về pháp lý cũng sẽ sớm được tháo gỡ một cách cơ bản, từ đó những tạo ra những động lực để thị trường bất động sản tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2024.
"Với những tháo gỡ về vướng mắc pháp lý, trong đó có những tháo gỡ cho hàng trăm dự án đang có vướng mắc pháp lý trên toàn quốc, riêng thành phố hiện nay đang có 148 dự án đang gặp những vướng mắc về về mặt pháp lý. Khi tăng được nguồn cung thì sẽ kéo giảm được giá nhà, đồng thời điều chỉnh được bất cập lớn nhất của thị trường bất động sản là việc thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, dư thừa nhà ở cao cấp", ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.