Theo các chuyên gia, việc thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án, góp phần tăng nguồn cung thị trường.
Doanh nghiệp sẽ được mua đất nông nghiệp làm dự án, cải thiện nguồn cung
Thị trường bất động sản thời gian đang khan hiếm nguồn cung mới. Các yếu tố về ảnh hưởng dịch bệnh, pháp lý, nguồn vốn… khiến doanh nghiệp địa ốc gặp nhiều khó khăn để hoàn thiện dự án. Từ đó, thị trường rơi vào cảnh "cung không đủ cầu" khiến giá nhà đất ngày càng theo leo.
Trong đó, yếu tố pháp lý để hoàn thiện quỹ đất khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản "đau đầu". Thời gian trước, các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam không được phép trực tiếp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp từ cá nhân hoặc tổ chức khác để chuyển đổi thành đất ở.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết thời gian qua, không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" vì vướng mắc về mặt pháp lý của dự án. Hàng loạt dự án không thể phát triển, phải nằm bất động vì không có đất ở trong phạm vi xây dựng dự án. Ngoài ra, nhiều dự án nhà ở thương mại khác cũng khó có thể triển khai do phần lớn quỹ đất mà doanh nghiệp tạo lập từ nhiều năm trước chủ yếu nằm trên đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp.
"Thực tế thị trường có rất ít doanh nghiệp đủ tiềm lực để phát triển quỹ đất và cạnh tranh đấu thầu, triển khai các dự án khu đô thị, đặc biệt là ở những khu vực có giá đất cao và nhu cầu phát triển lớn. Vì vậy, khâu pháp lý để có "quỹ đất sạch" được xem là điều kiện tiên quyết, ảnh hưởng đến sự "sống còn" của doanh nghiệp địa ốc", vị lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mở rộng đất làm dự án nhà ở thương mại. Cụ thể, Chính phủ đề xuất cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại, thí điểm trong 5 năm.