Những người phá sản, vỡ nợ vì buôn đất chủ yếu là do 'vay nóng' quá cao, chứ mua đất bằng tiền nhàn rỗi thì chẳng có gì phải lo.
Cảnh vỡ nợ cuối năm qua của những nhà đầu tư chuyên "lướt sóng" đất không phải là hiếm. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy ai phá sản, vỡ nợ vì buôn đất cũng chủ yếu là do "vay nóng" quá cao. Có những người vay lãi tới 6% một tháng để lướt sóng. Đây rõ ràng là lãi vay khủng và "lướt sóng đầu cơ" quá dở nên mới dẫn tới kết cục cay đắng. Còn những ai mua đất bằng tiền nhàn rỗi, có mục đích đầu tư hay sử dụng rõ ràng, không nợ nần, không áp lực tài chính thì chẳng có gì phải lo.
Thực tế, đất nào trong vòng 10-20 năm trở lại đây cũng đều tăng giá cả. Không tin thì bạn cứ nhìn lại quá khứ mà xem. Đừng nói 20 năm, chỉ cần trong khoảng 10 năm thôi (1990-2000, 2000-2010, 2010-2020), đất tăng giá chóng mặt. Cứ 10 năm thì đất lại tăng giá vài lần là ít, có khi tới cả trên chục lần, bất chấp các loại biến cố, khủng hoảng.
Ở đây, tôi nói đến chuyện mua nhà đất để dùng, có mục đích rõ ràng. Ví dụ căn nhà tôi mua để ở (đang ở lâu dài) thì mai nó tăng hay giảm 30% tôi vẫn ở đó, có bán đi đâu mà phải lăn tăn Đúng là đứng yên thì tiền mất giá, lỗ, nhưng đất thì làm gì đứng yên trong dài hạn. Nếu bạn cho rằng 20 năm nữa giá đất vẫn giữ nguyên thì bạn cứ việc bán hết nhà đất đi gửi ngân hàng, lấy lãi 9-10% như hiện nay, rồi 20 năm sau rút ra lấy lãi kép mua nhà xem có mua nổi không?
Bản thân tôi may mắn gặp được vài người rất giỏi. Tôi có đứa bạn Đại học, khi ra trường viết ứng dụng đứng đầu App store, Play store từ mười mấy năm trước đến tận giờ. Một tháng, tiền quảng cáo từ 200 - 800 triệu đồng (số liệu nhiều năm trước). Tiền có bao nhiêu, bạn đem mua đất hết. Sau mười mấy năm, bạn đã có vài trăm tỷ đồng rồi.
Ai mua đất từ 10 năm trước thì giờ lãi vài lần đến cả chục lần, thậm chí hơn nữa là hoàn toàn thực tế. Gia đình dòng họ tôi có mua ít đất nhưng chưa bao giờ đi vay. Vì vậy, chúng tôi đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội lớn (do lúc đó không đủ tiền, không dám vay). Nhưng đổi lại, chúng tôi tối ngủ ngon và chưa bao giờ bị áp lực cắt lỗ hay bán tháo để trả nợ, cứ cầm đất lâu dài và biên lợi nhuận rất lớn.
Và xung quanh, tôi thấy người có 5-7 căn nhà trở lên thì tài chính rất mạnh, thậm chí họ sẵn sàng bỏ không, không cần cho thuê kiếm tiền lẻ. Trong dịch tôi thấy có mấy ai bán tháo nhà cửa rồi giảm giá nhà đất đâu. Nhu cầu bất động sản hiện nay ở các thành phố vẫn là rất lớn, vì tốc độ gia tăng dân số, mật độ dân số ngày càng cao. Thế nên, dù có áp thuế gì đi nữa thì chuyện hy vọng giá nhà đất nội đô giảm xuống vẫn là chuyện xa vời.
Tóm lại, có tiền nhàn rỗi để mua nhà đất thì không bao giờ lo thua lỗ hay vỡ nợ. Đó mới là cách đầu tư an toàn và khôn ngoan nhất.