Việc sở hữu một căn nhà ở xã hội sẽ không còn là “giấc mơ” xa vời với người lao động, khi các điều kiện đăng ký mua nhà đã được nới lỏng; thủ tục đầu tư, phát triển nhà ở xã hội thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.
Tại TP.HCM, nhiều khu đất được quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhưng hiện tại được dùng làm bãi đỗ xe. Ảnh: Việt Dũng |
Quy định thông thoáng hơn
Sở hữu một căn nhà ở xã hội tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM không chỉ là ước mơ của những công nhân xa quê, mà còn là mong muốn của không ít người lao động, công chức làm công ăn lương. Nhưng lâu nay, với nhiều người, mong muốn ấy vẫn chỉ là “giấc mơ”.
Tiêu chuẩn được mua nhà ở xã hội khắt khe, thủ tục đăng ký mua phức tạp… là những lý do khiến việc sở hữu nhà ở xã hội trở nên khó khăn. Thậm chí, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng người cần mua nhà ở xã hội, thì không mua được; người cần bán nhà ở xã hội cũng không bán được.
Tuy nhiên, từ ngày 1/8/2024, khi Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực, những “rào cản” này sẽ được tháo gỡ.
Luật Nhà ở năm 2023 có nhiều điểm mới quy định thông thoáng hơn về chính sách nhà ở xã hội. Đơn cử, Luật quy định, người mua nhà ở xã hội chỉ cần chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng. Điều này tháo gỡ vướng mắc cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xác nhận hồ sơ.
Điều kiện về thu nhập để được mua, thuê mua nhà ở xã hội cũng được quy định “thoáng” hơn. Cụ thể, trường hợp độc thân, thì thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng, còn đối với người đã kết hôn, thì tổng thu nhập của gia đình không quá 30 triệu đồng/tháng. Những trường hợp cụ thể được quy định rõ trong Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Điểm tiến bộ tiếp theo là bỏ quy định về điều kiện cư trú. Cụ thể, Điều 78, Luật Nhà ở năm 2023 quy định về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội không còn yêu cầu điều kiện cư trú, chỉ nêu một số điều kiện về nhà ở và thu nhập.
Đây là 3 điểm chính tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cơ bản cho người dân khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được quy định trong Luật Nhà ở năm 2023.
Bên cạnh đó, trong Luật Đất đai năm 2024, những thủ tục liên quan đến đầu tư, phát triển nhà ở xã hội đối với doanh nghiệp cũng được quy định theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn.
Theo đó, nếu doanh nghiệp chưa có đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội, thì Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất. Trường hợp doanh nghiệp đã có đất, thì tiến hành bình thường, tự chuyển mục đích để phát triển dự án…
Cùng với các điều kiện về thủ tục, mới đây, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết sửa đổi gói hỗ trợ cho vay đối với nhà ở xã hội trị giá 120.000 tỷ đồng theo hướng tăng mức ưu đãi cho người mua nhà…
Chờ dự án
Theo các chuyên gia, khi điều kiện và chính sách thông thoáng, người dân sẽ có nhiều cơ hội sở hữu nhà ở xã hội hơn, song vấn đề lúc này là làm sao để có nhiều nguồn cung nhà ở xã hội. Thời gian qua, dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM đủ điều kiện mở bán chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Khi điều kiện và chính sách thông thoáng, người dân sẽ có nhiều cơ hội sở hữu nhà ở xã hội hơn, song vấn đề lúc này là làm sao để có nhiều nguồn cung nhà ở xã hội.
Tại TP.HCM, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, chỉ có 4 dự án hoàn thành (gồm 3 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân), với tổng quy mô 1.233 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng 112.385 m2. Bên cạnh đó, có 6 dự án nhà ở xã hội đang thi công (gồm 5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân), tổng quy mô 4.386 căn hộ.
Số lượng nhà ở xã hội được phát triển hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân. Không những vậy, người dân gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về các dự án đang triển khai.
Đơn cử, một trong 3 dự án nhà ở xã hội đang được người dân TP.HCM quan tâm là Khu phức hợp tại số 324 - Lý Thường Kiệt (quận 10), tên thương mại là Phú Thọ DMC, do Công ty cổ phần Đức Mạnh làm chủ đầu tư. Dự án gồm 4 block cao 25 tầng (hiện có block đã xây xong tầng 24), dự kiến cung cấp ra thị trường 1.254 căn hộ.
Dự án Phú Thọ DMC có vị trí khá đắc địa khi nằm ngay mặt tiền đường lớn, tiện ích xung quanh đầy đủ, bao gồm cả bệnh viện, khu thể thao, trường đại học… Dẫu vậy, trên thị trường hiện nay gần như không có thông tin chào bán liên quan đến dự án này.
Một dự án khác là Khu nhà ở phường Long Trường (TP. Thủ Đức) do Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư. Dự án này có quy mô diện tích đất xây dựng 14,3 ha, dự kiến cung cấp 558 căn hộ, được chia làm 2 dự án nhỏ hơn là dự án nhà ở xã hội 1 và 2, đều nằm trong khu dân cư biệt lập cao cấp Centana Điền Phúc của Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành. Hiện tại, chủ đầu tư mới rào quanh khu đất, xây dựng các công trình tạm cho công nhân và chứa vật liệu xây dựng.
Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM mới đây cho thấy, do gặp vướng mắc liên quan đến quy hoạch, chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, pháp lý…, nên 8 dự án nhà ở xã hội với 25.880 căn hộ tại TP.HCM vẫn chưa thể khởi công.
Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục pháp lý, sớm khởi công các dự án đảm bảo chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã được phê duyệt, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy hoạch, pháp lý… đối với các dự án.